Năm học nào cô Lê Nga Phương – giáo viên dạy Văn trường THPT Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) cũng được làm việc với HS có cá tính đặc biệt và các em luôn biết cách khiến cô mất đi khả năng tự chủ. Bằng kinh nghiệm của mình, cô Nga đã rút ra 5 giải pháp hiệu quả để giáo dục học sinh cá biệt.

 

1. Hãy trả lời câu hỏi: Vì sao? Theo cô Phương, không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên quá khác biệt. Luôn có ít nhất một lí do khiến chúng trở nên thù địch với mọi thứ xung quanh.

 

Những biểu hiện như: phá phách, ngủ trong giờ học, thậm chí gây gổ đánh nhau cũng chỉ là cách để các em chống trả một cách quyết liệt với cuộc đời mà theo các em là bất công, không đáng sống. Đôi khi, các em làm vậy là để thu hút sự chú ý của chúng ta, chúng muốn trở nên “đặc biệt”.

 

Lí do đó vô cùng đa dạng, có thể đến từ những kì vọng quá cao của cha mẹ, từ sự so sánh “con nhà mình” với “con nhà người ta”, từ hoàn cảnh gia đình, thậm chí từ một khoảng tối nào đó trong quá khứ mà HS không muốn đối diện.

 

“Việc của giáo viên là phải tìm được lí do tại sao? Khi tìm được lí do của tất cả mọi chuyện cũng có nghĩa là giáo viên đã tìm được chiếc chìa khoá mở cửa trái tim của những HS cá biệt này” – cô Phương cho biết.

 

2. Luôn đảm bảo nguyên tắc: Công bằng. Theo cô Phương, những đứa trẻ trở nên cứng đầu là bởi chúng mất lòng tin vào lẽ phải và công lí. Các em hoặc tìm cách phá bỏ thế giới đầy bất công, hoặc chiến đấu theo “niềm tin công lí” của riêng mình.

 

Đó là cách để các em khiến mình trở nên quan trọng hơn, trở thành người hùng trong mắt những đứa trẻ choai choai cùng trang lứa. Bất cứ khi nào bạn vi phạm vào nguyên tắc công bằng, cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ xếp bạn vào nhóm cần phải “phòng trừ”, hoặc “loại bỏ”.

 

Để đảm bảo được công bằng, cô Phương cho rằng, giáo viên đừng xem thường sức mạnh của lời khen – chê. Đó chính là vũ khí để bạn trở thành một người hùng trong mắt trẻ. Bạn chỉ cần khen đúng và chê đúng. Nếu HS làm được một việc tốt, nếu các em bước thêm được một bước thì đừng tiếc lời khen.

 

Lời khen của giáo viên sẽ trở thành động lực, thành đôi cánh để các em nỗ lực hơn nữa. Mỗi lời khen sẽ là một chiếc Huân chương trên bảng thành tích “được công nhận” của các em. Chúng sẽ thấy mình có ích, mình đang tồn tại. Bạn sẽ sớm nhận ra lời khen có sức mạnh biến đổi con người.

 

Tuy nhiên theo cô Phương, điều đó không có nghĩa là giáo viên luôn khen ngợi HS của mình. Khi các em có hành vi sai trái, hãy góp ý – phê bình. Sự phê bình xuất phát từ lòng thiện tâm, từ mong muốn con thay đổi, sẽ giúp chúng biết sợ trước khi tiếp tục những hành vi sai trái. Đừng ngần ngại để HS biết: bạn đang thất vọng về mình như thế nào.

 

3. Hãy yêu thương học trò. Cô Phương trao đổi, giáo viên sẽ sớm nhận ra rằng, mọi lí do khiến HS trở nên cá biệt đều xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài, để rồi tạo ra những tổn thương sâu bên trong tâm hồn của đứa trẻ.

 

Phần lớn các em đều thiếu vắng tình yêu thương từ những người thân trong gia đình. Các em cô đơn và vô cùng khao khát tình yêu thương. Giáo viên chỉ cần trao đi một chút tình yêu của mình cho học trò, thì sẽ nhận được yêu thương vô điều kiện từ các em.

 

“Dostoevsky đã từng tin tưởng: Cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới. Chẳng phải tình yêu thương chính là biểu hiện cao cả nhất của cái đẹp đó sao? Và hãy nhớ, trong hành trình trưởng thành sau này, những học sinh cá biệt luôn là những học sinh nhớ nhiều nhất tới những lời thầy cô đã dạy dỗ, bởi lẽ các em cảm nhận được tình yêu thương của thầy, cô trong mỗi bài học, thậm chí cả trong những hình phạt” – cô Phương bật mí.

 

4. Luôn nhớ: Bạn là tất cả. Theo kinh nghiệm của cô Phương, với học sinh cá biệt, để thầy, cô giáo trở thành chỗ dựa của lòng tin đồng nghĩa với việc thầy, cô phải trở thành tất cả như: Có thể thay thế cho cha mẹ; là chuyên viên tư vấn tình yêu; là y tá – biết băng bó vết thương nếu HS lao vào một cuộc ẩu đả, là bác sĩ tâm lí giúp các em thăng bằng sau những vết thương lòng…

 

Thầy, cô hãy sẵn sàng trả lời HS bất kể khi nào các em cần, thậm chí là 1-2 giờ sáng. Khi học trò tìm đến thầy, cô cũng là lúc các em cô đơn nhất, các cần một điểm tựa và thầy, cô hãy trở thành điểm tựa cho học trò của mình.

 

“Đó là lí do giáo viên nên chuẩn bị sẵn trong tủ đồ của mình một ít giấy lau, một vài cái kẹo, thậm chí cả … băng vệ sinh để đáp ứng bất kể nhu cầu nào của HS và để các em không kiếm được bất kể lí do nào phá phách hoặc bỏ trốn khỏi giờ học” – cô Phương chia sẻ.

 

5. Đừng xem các em là HS quá khác biệt. Cô Phương cho biết, nhiều giáo viên chia sẻ với cô rằng, trước khi nhận lớp, bao giờ họ cũng nghiên cứu kĩ hồ sơ, gặp giáo viên chủ nhiệm cũ của HS hoặc những người đã từng biết đế các em để tìm hiểu thật chi tiết về HS của mình.

 

Đó là một cách làm đúng, tuy nhiên, dẫu thầy, cô giáo không thừa nhận nhưng những thông tin tìm được trước đó vô tình “dán mác cá biệt” cho HS của mình. Trước khi tiếp cận những con người cụ thể, giáo viên đã mang sẵn tâm lí đề phòng: chúng là học sinh cá biệt, mình cần phải làm thế này, thế kia… Và ngay lập tức giáo viên vi phạm nguyên tắc công bằng.

 

“Tôi có cách làm khác và tôi thấy hiệu quả của việc làm này. Trước khi bước vào lớp, tôi mặc định rằng, tất cả HS giống nhau, đều là những đứa trẻ sẽ đồng hành cùng mình suốt một năm học. Việc của tôi là để chúng tự nói về mình.

 

Các em rất muốn mọi người nhìn mình như “những người bình thường” khác, không phải là học sinh cá biệt. Bởi vậy, hãy thay thế thuật ngữ học sinh cá biệt bằng học sinh đặc biệt, cần sự quan tâm chia sẻ nhiều hơn. Bạn sẽ thấy hiệu quả của nó” – cô Phương chia trao đổi.